Phản đối nghị hòa, tuyệt vọng xin về Trương Tuấn (nhà Tống, sinh 1097)

Tướng Kim là Bộc Tản Trung Nghĩa đòi Nam Tống nạp 4 quận, tháng 4 năm thứ 2 (1164), Trương Tuấn về triều phản đối, Hiếu Tông cho dừng việc ấy, bái ông làm Thượng thư hữu bộc xạ, Đồng trung thư Môn hạ bình chương sự kiêm Xu mật sứ. Ông nhận chiếu tra xét vùng Giang, Hoài, ở những nơi hiểm yếu đều cho đắp thành, lũy, tăng số chiến hạm, chuẩn bị khí giới của quân đội. Khi xưa người Kim đóng quân ở Hà Nam, ngày nào cũng đòi quyết chiến. Sau khi Trương Tuấn đến, quân Kim rút về. Người Hoài Bắc đến quy phục không ngớt, hào kiệt Sơn Đông đều nguyện chịu sự chỉ huy của ông. Trương Tuấn thấy Tiêu Kỳ là dõng dõi đại tộc của Khiết Đan, tính thâm trầm, dũng cảm lại có mưu, bèn lệnh cho ông ta thống lĩnh hàng quân người Khiết Đan, rồi truyền hịch dụ người Khiết Đan làm nội ứng cho quân Tống.

Bọn Thang Tư Thoái kịch liệt đả kích Trương Tuấn, tìm cách bãi bỏ việc phòng bị, ông đành xin giải chức Đốc phủ, triều đình đồng ý, sau đó bãi bỏ nốt vị trí Giang, Hoài đốc phủ. Tả tư gián Trần Lương Hàn, Thị ngự sử Chu Thao nói ông trung thành, cần mẫn, nhân dân yêu mến, không nên biếm ra ngoài. Trương Tuấn được ở lại Bình Giang, nhận thấy công cuộc kháng Kim đã vô vọng, bèn xin trí sĩ, được ban hàm Thiếu sư, Bảo Tín quân Tiết độ sứ, Phán Phúc Châu. Trương Tuấn từ chối, được đổi làm Lễ Tuyền quan sứ. Từ đây triều đình quyết tâm nghị hòa.

Tháng 8 cùng năm, Trương Tuấn bệnh mất.

Liên quan